Hoạt động bảo hộ và quản lý tài sản SHTT chưa tương xứng với yêu cầu phát triển

Admin
Theo Báo cáo Chỉ số sở hữu trí tuệ (SHTT) quốc tế năm 2022 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, chỉ số đo lường quyền SHTT của Việt Nam năm 2022 chỉ xếp thứ 42/55 quốc gia được xếp hạng, tức là thuộc

Tại hội thảo "Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0" sáng ngày 2/8/2022, ông Lương Minh Huân, Viện trưởng, Viện Phát triển Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chia sẻ về thực trạng hoạt động bảo hộ và quản lý tài sản SHTT cho doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Ông Huân cho biết: "Quyền SHTT đã và đang trở thành công cụ chủ lực giúp doanh nghiệp thiết lập thế độc quyền và hợp pháp hóa khả năng khai thác giá trị từ các thành quả sáng tạo, định vị thương hiệu, xây dựng uy tín, nhằm mở rộng thị phần cũng như bảo vệ doanh nghiệp trước các hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đây cũng chính là những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

vcci dien gia 1

 Ông Lương Minh Huân, Viện trưởng, Viện Phát triển Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Thái An

 Tại Việt Nam, cùng với quá trình mở cửa hội nhập, vấn đề bảo hộ và quản lý tài sản SHTT đã ngày càng nhận được sự quan tâm của các bên liên quan, nhất là cộng đồng doanh nghiệp. Hệ thống pháp luật về SHTT ở nước ta đã được xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ngày càng hoàn thiện, qua đó, tạo nền tảng pháp lý cơ bản để điều chỉnh, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo; khai thác và bảo vệ các tài sản trí tuệ. Cùng với đó, việc quản lý và hỗ trợ thúc đẩy thực thi quyền SHTT đã được triển khai mạnh mẽ thông qua vai trò của Cục SHTT và các tổ chức như WIPO, VIPA. Nhờ đó mà việc nhận thức và hành động thực thi quyền SHTT của doanh nghiệp tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong những năm gần đây. Theo Báo cáo thường niên SHTT năm 2021 của Cục Sở hữu trí tuệ, trong giai đoạn 2010-2021, tại Việt Nam có trên 65 nghìn đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, trên 5 nghìn đơn đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích, 31 nghìn đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, 480 nghìn đơn đăng ký nhãn hiệu cùng hơn 313 nghìn văn bằng được cấp ra. Trong số đó, chủ thể là doanh nghiệp hiện chiếm 40,15% tổng số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế năm 2021 (tăng từ 30,47% của năm 2010) và chiếm 30% tổng số đơn đăng ký giải pháp hữu ích (tăng từ 25,6% năm 2010)".

Tuy nhiên cũng theo đại diện VCCI, hoạt động bảo hộ và quản lý tài sản SHTT cho doanh nghiệp tại Việt Nam chưa tương xứng với yêu cầu phát triển hiện nay. Theo Báo cáo Chỉ số SHTT quốc tế năm 2022 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, chỉ số đo lường quyền SHTT của Việt Nam năm 2022 chỉ xếp thứ 42/55 quốc gia được xếp hạng, tức là thuộc 1/3 các quốc gia bị đánh giá thấp, giảm một bậc so với năm 2021. Ngoài ra, nếu so sánh với con số hơn 860 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường thì số lượng đơn đăng ký và văn bằng được cấp trong thời gian qua vẫn rất khiêm tốn. Chưa kể đến là chúng ta vẫn liên tục phải chứng kiến những bài học đắt giá về việc doanh nghiệp Việt Nam bị tranh chấp về quyền SHTT, thậm chí là bị lợi dụng và chiếm đoạt các thành quả sáng tạo cả ở trong lẫn ngoài nước.

Đặc biệt là trong thời đại của CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo hộ quyền SHTT lại càng trở nên phức tạp khi mà sự phát triển của khoa học, công nghệ vừa giúp phát huy và lan tỏa mạnh mẽ những mặt tích cực nhưng đồng thời cũng khuếch đại gấp nhiều lần các vấn đề nổi cộm về SHTT mà doanh nghiệp phải đối mặt. Điển hình là các hành vi xâm phạm đang diễn ra ngày càng nhanh chóng hơn, tinh vi hơn với quy mô rộng lớn hơn, vượt qua cả ranh giới về địa lý và lãnh thổ quốc gia, thay đổi hình thức từ môi trường kinh doanh truyền thống lên môi trường thương mại điện tử và internet.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, điển hình là CPTPP và EVFTA đã nâng cao mức bảo hộ quyền SHTT hơn so với chuẩn mực quốc tế phổ biến hiện nay. Mới nhất là hiệp định RCEP cũng đã đưa SHTT vào thành một chương trong cam kết giữa các bên, khiến bảo hộ SHTT giờ đây không còn là một sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay dẫn đến những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, cùng với xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thì việc bảo hộ SHTT ngày càng trở thành yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

                                        Hương Mi/SHTT