Hoàn thiện hành lang pháp lý: Giải pháp bảo vệ tài sản trí tuệ tại Việt Nam

Admin
Các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo của Việt Nam hiện nay đang gặp phải nhiều thử thách do những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sĩ và những người sáng tạo, gây ảnh hưởng tiêu c

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Văn bản chính sách quan trọng này đã thúc đẩy những mục tiêu đầy lạc quan về sự tăng trưởng cần đạt của các ngành công nghiệp này tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả mục tiêu khắc phục được những hạn chế hiện nay về việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hoá và sáng tạo ở Việt Nam. Những hạn chế trong hiểu biết của người dân nói chung và cộng đồng sáng tạo nói riêng về ảnh hưởng tiêu cực của việc vi phạm các khuôn khổ pháp lý hiện hành về quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền có thể gây ra cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội thảo “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam”, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đến từ việc: Hành lang pháp lý ở một số lĩnh vực cần được tiếp tục hoàn thiện; một số quy định pháp luật cần cụ thể hóa, quy định cho phù hợp với sự phát triển công nghệ, hội nhập quốc tế; nhận thức của công chúng còn hạn chế; tâm lý vụ lợi và môi trường kỹ thuật số. Đặc biệt, còn thiếu sự chủ động của chủ thể quyền trong bảo vệ quyền của mình; các tổ chức quản lý tập thể chưa đủ mạnh để tự bảo vệ quyền của các chủ thể quyền tác giả và quyền liên quan; các lực lượng thực thi còn thiếu nhân lực, vật lực, thiếu kinh nghiệm về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường số.

van hoa sang tao

Các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo của Việt Nam hiện nay đang gặp phải nhiều thử thách do những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sĩ và những người sáng tạo 

 

Cục Bản quyền tác giả tiếp tục nhấn mạnh các giải pháp về hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; thu hút và hỗ trợ đầu tư, phát triển thị trường; tăng cường chủ động từ các chủ thể quyền; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý xâm phạm; mở rộng giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế. Theo Phó Cục trưởng Phạm Thị Kim Oanh: “Làm tốt công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan góp phần bảo đảm việc phát triển CNVH và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần thúc đẩy quá trình hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút các nhà đầu tư, sáng tạo trong và ngoài nước...”. 

Đặc biệt, mới đây, Dự án Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã được Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đề xuất và nhận được sự hỗ trợ của Quỹ quốc tế vì Đa dạng Văn hóa của UNESCO. Dự án hiện đang được thực hiện bởi Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) từ tháng 3/2022 – 3/2023, triển khai một loạt các hoạt động gồm nghiên cứu đánh giá, tổ chức hội thảo và các đợt tập huấn, công bố các ấn phẩm hướng dẫn cơ bản về sở hữu trí tuệ nhằm cải thiện việc bảo vệ và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đóng góp vào sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong nước.

Dự án SIPE có ba mục tiêu cụ thể: Đánh giá tổng quan thực trạng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam để xây dựng nhận thức chung và hiểu biết thực tiễn khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ cho các ngành văn hóa và sáng tạo. Nâng cao năng lực thể chế trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực văn hóa sáng tạo thông qua một chuỗi các khóa đào tạo dành cho cán bộ nhà nước các cấp, các ngành liên quan. Đẩy mạnh, nâng cao nhận thức và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo tại Việt Nam thông qua các khóa đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ dành cho các nghệ sĩ và người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo.

SHTT