'Hòa Bình - Hương vị xứ Mường và Thương mại điện tử'

Admin
Đây là chủ đề của Hội nghị Xúc tiến cung cầu và giới thiệu sản phẩm của các hợp tác xã tỉnh Hoà Bình năm 2022 tại TP. Hà Nội, diễn ra từ ngày 17-23/4/2022 tại Làng Mường – Khu Làng Văn hoá các

Với chủ đề “Hòa Bình - Hương vị xứ Mường và Thương mại điện tử”, Hội nghị lần này là sự kiện ý nghĩa và quan trọng, nằm trong chuỗi các hoạt động quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ hàng hóa nông sản của tỉnh năm 2022, là cơ hội tốt để quảng bá về văn hoá, con người và các sản phẩm thế mạnh của Hoà Bình với đông đảo người tiêu dùng.

Từ miền nông sản trù phú …

Hoà Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, nằm ở vị trí trung tâm kết nối giữa khu vực Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ. Tỉnh Hòa Bình có 10 huyện, thành phố; có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, với bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán phong phú, đa dạng. Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 2,66%, trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,8%.

1

Cam Cao Phong - Nông sản tiêu biểu của Hoà Bình. Sản phẩm này lấy thế mạnh về chất lượng đặc thù và an toàn thực phẩm làm công cụ cạnh tranh và phát triển (ảnh minh hoạ, theo Báo Nhân dân). 

 

Tỉnh Hòa Bình có nhiều vùng đất đai, thổ nhưỡng mầu mỡ, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Những năm qua, nông nghiệp của tỉnh đạt được kết quả khả quan, sản phẩm khẳng định được chất lượng và tạo chỗ đứng ngày càng vững trên thị trường.

Nhiều diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Một số sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ về nhãn hiệu tập thể như: Rau hữu cơ - Lương Sơm, Bưởi đỏ - Tân Lạc, Tôm, Cá Sông Đà, Gà - Lạc Thủy…Sản phẩm Cam - Cao Phong đã được Chứng nhận về chỉ dẫn địa lý.

2

Năm 2017, sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu số 290081 theo Quyết định số 75136/QĐ-SHTT ngày 27/10/2017. Việc sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân trồng và kinh doanh bưởi trên địa bàn huyện Tân Lạc. 

Đến nay, toàn tỉnh đã có 10,5 nghìn ha diện tích trồng cây có múi, trong đó diện tích kinh doanh 8 nghìn ha, sản phẩm phong phú với các sản phẩm cam lòng vàng, V2, đường canh, bưởi đỏ, bưởi da xanh... sản lượng đạt trên 15 vạn tấn/năm. Đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung tại các huyện như: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy.

Đối với cây rau, diện tích gieo trồng 14 nghìn ha, bước đầu hình thành và ổn định các vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung, có thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện sinh thái như: vùng sản xuất bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy; vùng sản xuất rau hữu cơ huyện Lương Sơn. Diện tích sản xuất cây dược liệu khoảng 1,7 nghìn ha với các loại dược liệu quý hiếm như: xạ đen, xạ vàng, ba kích, củ mài, cúc hoa, địa liền, đinh lăng, giảo cổ lam, cà gai leo, shachi...

z3344824806264_55f5b76408fc3f307b881c1579c4a112

Ngày 29/07/2020 nhãn hiệu “Cà gai leo Yên Thủy” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 357861. Cây Cà gai leo được trồng trên địa bàn huyện Yên Thủy là cây thảo dược chữa bệnh dân gian với tác dụng rất mạnh trong bảo vệ và tái tạo tế bào gan. 

Toàn tỉnh có 2,7 nghìn ha diện tích mặt nước, trên 4,7 nghìn lồng nuôi cá. Sản lượng thu hoạch 12 nghìn tấn, trong đó, sản lượng khai thác 1,9 nghìn tấn, sản lượng nuôi trồng hơn 10 nghìn tấn. Đến nay có trên 2,5 nghìn ha diện tích đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; Công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 được đẩy mạnh.

Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế tập thể[1]. Toàn tỉnh hiện có 430 HTX đang hoạt động, trong đó có ¾ là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Sản phẩm của HTX đa dạng, tập trung vào nông sản chủ lực của địa phương như: Rau an toàn; Cây có múi; Cá Sông Đà; Cây dược liệu; Gà đồi.... Với năng lực tổ chức, điều hành sản xuất kinh doanh ngày càng được nâng lên, HTX đang là mô hình kinh tế phù hợp và hiệu quả ở địa phương. Nhiều HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ theo mô hình chuỗi giá trị, tạo ra được các sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với tất cả những tiềm năng và kết quả hiện tại, Hoà Bình đang ngày càng chủ động trong phân khúc sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, thể hiện tâm thế chủ động kết nối cung cầu với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tại Hội nghị.

... đến không gian văn hoá đậm đà hương vị xứ Mường

Xin được nhấn mạnh, “Hội nghị Xúc tiến cung cầu và giới thiệu sản phẩm của các hợp tác xã tỉnh Hoà Bình năm 2022 tại Thành phố Hà Nội” được tổ chức tại Làng Mường – Khu Làng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam với Chủ đề “Hòa Bình - Hương vị xứ Mường và Thương mại điện tử” là sự kiện kinh tế, nhưng đồng thời là sự kiện văn hoá đặc sắc trong khuôn khổ các hoạt động văn hoá chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022 (19/4).

4

Những bông hoa “đong” đỏ thắm mọc trong mỗi vườn của bất kỳ ngôi nhà sàn nào của người Mường. 

Tại Triển lãm, 12 sản phẩm tiêu biểu của Hoà Bình sẽ được trưng bày. 12 sản phẩm – 12 câu truyện kể về những người nông dân Hoà Bình bao năm siêng năng lao động, một nắng hai sương để tạo nên được những sản phẩm tinh tuý, tiêu biểu, ngày càng được tin dùng và khẳng định vị thế trong bản đồ kinh tế nông nghiệp ở tỉnh.

Vượt qua giới hạn của hoạt động xúc tiến thương mại đơn thuần, Hội nghị lần này còn đem đến một không gian văn hoá đậm chất Mường, với những tiết mục văn nghệ chào mừng tiêu biểu như: ca khúc “Làng Mường”, tấu sáo trúc “Chúc Phúc”, ca khúc “Tiếng Mường Ta”, múa “Dệt Thổ Cẩm”, ca khúc “Khúc Cầu Mùa”.

5

 Múa, hát trong Lễ mát nhà của người Mường. Đây là phong tục văn hóa đẹp từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả.

Cùng triển lãm 12 sản phẩm tiêu biểu của các HTX, khách thăm quan sẽ tiếp tục được trải nghiệm các tiết mục văn nghệ tiêu biểu kết hợp với giao lưu ẩm thực (đặc sản của Hoà Bình), như tiết mục: Hòa tấu chiêng Mường: Đi đường - Bông Trắng bông vàng - Trầm khầm; Tốp nữ: Lối Về Bản; Tấu sáo: Giai Điệu Bản; Song ca: Tiếng Sáo Ôi; Tốp nam: Xốn Sang Chiêng Cồng Hòa Bình.

6

Thiếu nữ Mường duyên dáng bên khung dệt - Nét văn hoá sẽ được tái hiện tại Triển lãm

Theo Ban Tổ chức, việc thiết kế các chi tiết trong Triển làm và Hội nghị cần phản ánh sâu sắc, sát hợp với văn hoá chính thống của người Mường, tự nhiên, mộc mạc nhưng đặc sắc, độc đáo, giản dị mà chân thành. Tại triển lãm, bên cạnh 12 sản phẩm chủ lực được chọn lọc, gam màu đỏ sẽ là chủ đạo, đến từ những tấm thổ cầm được lựa chọn kỹ càng, hay những bông hoa “đong” đỏ thắm mọc trong mỗi vườn của bất kỳ ngôi nhà sàn nào của người Mường.

Cũng theo Ban Tổ chức, triết lý trong đời sống và sản xuất của người Mường là tôn trọng tự nhiên, đề cao truyền thống trong đạo đức, phẩm chất, tư duy linh hoạt. Sản xuất có thể chưa quá quy mô, nhưng không đánh đổi môi trường bằng mọi giá, sản vật và con người cần được phát triển theo xu thế chung. Sản phẩm nào cũng vậy, nếu giữ được văn hoá tinh tế, nâng cao chất lượng, chọn lọc thị trường, thì sản phẩm ấy luôn đắt giá.

Hội nghị Xúc tiến cung cầu và giới thiệu sản phẩm của các hợp tác xã tỉnh Hoà Bình năm 2022 tại Thành phố Hà Nội do UBND tỉnh Hoà Bình chỉ đạo, Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ trì, Làng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam là đơn vị phối hợp tổ chức. 

Hội nghị nhằm gắn kết văn hóa bản địa, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm, tiếp cận chuyển đổi số, khắc phục khó khăn do những tác động ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm; trao đổi, giới thiệu, trưng bày và thỏa thuận các hợp tác liên kết sản xuất, phát triển vùng sản xuất cung ứng sản phẩm cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Ngoài đại diện chính quyền địa phương Hoà Bình, Hội nghị có sự tham gia của tham tán nước ngoài tại Việt Nam, nhiều nhà kinh tế, lãnh đạo Liên minh HTX nhiều tỉnh, cùng nhiều doanh nghiệp, HTX có nhu cầu kết nối thương mại (có 42 doanh nghiệp và 36 HTX đăng ký tham dự hội nghị).

Các đại biểu có cơ hội trao đổi, thảo luận, đăng ký kết nối cung cầu và thỏa thuận hợp tác; tiếp cận với dữ liệu phục vụ cho việc kết nối cung cầu, thương mại điện tử (gồm: danh mục 12 sản phẩm ocop 4 sao, 54 sản phẩm OCOP 3 sao của THT, HTX  trên địa bàn tỉnh đã được công nhận; danh sách 95 HTX/THT có sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm; danh sách 61 HTX có nhu cầu liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm).

Để phát huy kết quả từ Hội nghị này, Liên minh HTX tỉnh Hoà Bình tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các đơn vị tham gia kết nối cung cầu, ký kết và thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư, liên kết mở rộng quy mô sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

                                                                                                                                                 SHTT