Hiện tượng tăng giá sách giáo khoa có biểu hiện trục lợi

Admin
Việc dựa vào giáo dục để kinh doanh, trục lợi là hiện tượng không lành mạnh trong giáo dục, thiếu tính nhân văn.

Doanh nghiệp tự bỏ kinh phí biên soạn, xuất bản, tự kê khai giá

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những nguyên nhân khiến sách giáo khoa mới có giá cao hơn sách giáo khoa hiện hành xuất phát từ việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với chương trình giáo dục phổ thông 2000 không còn được cấp vốn từ ngân sách nhà nước, mà do nguồn vốn của doanh nghiệp.

Với chương trình cũ, Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn sách giáo khoa để thực hiện trên phạm vi cả nước. Để tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa, Bộ GDĐT ban hành Quyết định thành lập đội ngũ tác giả và tổ chức biên soạn sách giáo khoa; giao cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức bản thảo, biên tập, thiết kế-minh họa, đăng ký xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa.

Sách giáo khoa tăng giá “đột biến” là hiện tượng không lành mạnh!
Các nhà xuất bản tự xây dựng, xác định giá và thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước

Việc in sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn các nhà in có đủ năng lực để bảo đảm chất lượng, tiến độ, giá thành hợp lý.

Tuy nhiên, từ năm 2020, thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không còn là đơn vị duy nhất thực hiện công tác biên soạn, xuất bản sách giáo khoa.

Thực tế cho thấy, sau 2 năm thực hiện chủ trương này, ngày càng nhiều nhà xuất bản tham gia, đặc biệt, các đơn vị xuất bản sách giáo khoa đều phải thực hiện việc tổ chức biên soạn, xuất bản sách giáo khoa bằng nguồn vốn do doanh nghiệp đầu tư, thu xếp và vay ngân hàng chứ không sử dụng ngân sách nhà nước.

Cơ chế quản lý giá sách giáo khoa cũng có những thay đổi. Quản lý sách giáo khoa hiện nay được thực hiện theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá. Theo đó, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá, mà thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá theo quy định Luật Giá.

Như vậy, các nhà xuất bản tự xây dựng, xác định giá và thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính) và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa đã kê khai, cơ quan quản lý nhà nước không thẩm định, phê duyệt, không định giá sách giáo khoa.

Ngoài ra, giá sách giáo khoa mới được các đơn vị xuất bản tính toán dựa trên rất nhiều yếu tố như số lượng cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa mới, chi phí tổ chức bản thảo (gồm chi phí nhuận bút, biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm…); chi phí vật tư, công in và chi phí marketing.

Có thể nói, từ những yếu tố này là nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa mới có giá cao gấp 2-3 lần so với giá của sách giáo khoa hiện hành. Bên cạnh đó, thêm nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa mới cao đột biến mà Bộ GDĐT và các nhà xuất bản không nói đến, là có thêm quá nhiều đầu sách bắt buộc so với chương trình cũ.

Đơn cử, với bộ sách lớp 3, nếu năm học này học sinh chỉ phải mua 6 cuốn bắt buộc thì từ năm học tới các em sẽ phải mua ít nhất 14 cuốn, trong đó gồm 8 cuốn mới: Đạo đức, Tin học, Tiếng Anh, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động thể chất.

Do đó, nếu như bộ sách lớp 3 hiện hành là 58.000 đồng thì năm tới phụ huynh sẽ phải trả 208.000 - 209.000 đồng/bộ. Với bộ sách Cánh diều thì giá còn cao hơn, với 220.000 đồng/bộ.

Một trong những băn khoăn đang khiến nhiều phụ huynh đặt ra là, các nhà xuất bản sách giáo khoa đều chưa công bố giá sách tiếng Anh, hoặc cố tình tách sách tiếng Anh ra khi công bố giá của cả bộ sách mới của lớp 3, 7, 10. Trong khi, giá sách tiếng Anh thường đắt nhất trong các bộ sách giáo khoa. Vậy, việc không tính sách tiếng Anh vào giá chung của bộ sách giáo khoa phải chăng là một sự “mập mờ” của các nhà xuất bản?

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm?

Ghi nhận ý kiến của phụ huynh trước việc sách giáo khoa đồng loạt tăng giá, chị Nguyễn Quỳnh An (có 2 con, học lớp 1 và lớp 6) Nam Từ Liêm, Hà Nội cho hay: “Tôi thấy việc đưa ra quá nhiều đầu sách vào chương trình học mới của các con là rất vô lý, gây lãng phí. Trong khi, việc liên tục cải tiến khiến giá sách tăng cao cũng là một bất cập. Điều này sẽ gây khó khăn cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi”.

Cũng theo chị An: “Bất cập thể hiện rõ ở việc một số sách hầu như không cần thiết. Như ở sách giáo khoa thể dục, hoạt động trải nghiệm, đơn cử như với học sinh lớp 1. Nguyên năm học vừa qua, con trai tôi gần như không dùng tới, thứ nhất gần cả năm các con học online môn thể dục cũng không được chú trọng, thứ hai mới đầu vào năm học mới, các con còn chưa biết đọc thì sao dùng được đến sách. Chưa nói, thể dục là phải thực hành chứ không phải học lý thuyết trên giấy”.

Cùng quan điểm, anh Hà Văn Mạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, ngày xưa, thế hệ tôi chỉ với một số sách cơ bản truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác vẫn đảm bảo đầy đủ kiến thức, vừa tiết kiệm chi phí. Giờ thấy các con phải mua quá nhiều sách, trong khi bản thân các con cũng không thể học hết. Nếu cứ bày ra và bắt buộc bố mẹ phải trả tiền để mua hết sách cho con cho đầy đủ thì đây chẳng khác gì một hiện tượng “móc túi” xã hội.

Ở góc nhìn kinh tế, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, mặc dù việc cải tiến sách giáo khoa mới sẽ có hai điểm tích cực, một là tăng chất lượng hình ảnh, đa dạng các đầu sách. Nhưng về mặt giáo dục, không cần thiết phải có nhiều đầu sách quá mức và không nhất thiết vì đẹp khiến giá cả đắt đỏ hơn.

“Quan trọng là nội dung, chất lượng, theo đó, cần hạn chế tối đa đầu sách tránh gây áp lực cho các em học sinh. Đặc biệt, trong bối cảnh người dân đang nghèo đói, thu nhập kém, việc đẩy giá sách lên sẽ không loại trừ khả năng một số bộ phận người dân nghèo khó có thể tiếp cận được. Đây là hiện tượng không lành mạnh trong giáo dục và chắc chắn, sẽ không nhận được sự đồng thuận của xã hội” – ông Phong cho hay.

Đặc biệt, theo ông Phong, nếu giao hoàn toàn cho tư nhân thì sẽ khó tránh khỏi việc “bày vẽ” ra để kiếm tiền. Và chắc chắn sẽ có hiện tượng “đi đêm” trục lợi. Thực tế này cho thấy, trong vấn đề này đang tồn tại nhiều bất cập, với cơ chế lỏng lẻo, dễ dãi, nhiều kẽ hở, dấn đến hiện tượng tham nhũng trong giáo dục và thiếu tính nhân văn.

Với quan điểm xem giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, chúng ta cần phải điều chỉnh theo hướng, coi các sản phẩm giáo dục giống như món ăn thiết yếu hằng ngày, trong đó, trẻ em là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt. Do đó, việc dựa vào giáo dục để kinh doanh, kiếm tiền thì không thể chấp nhận được. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có trách nhiệm trong vấn đề này!

Theo đó, chuyên gia Nguyễn Minh Phong chỉ ra: “Để đảm bảo chất lượng của sách giáo khoa phải do Hội đồng sách giáo khoa Nhà nước gồm những giáo viên lâu năm có kinh nghiệm, có kiến thức, có uy tín biên soạn, sau đó phải tổ chức thẩm định quốc gia. Còn việc in ấn thì có thể tổ chức đấu thầu, ai rẻ thì làm. Chúng ta có rất nhiều cách để vừa đạt được cả yêu cầu về chất lượng, vừa đảm bảo yếu tố thị trường, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân”.

Theo đó, vị chuyên gia này kiến nghị, sách giáo khoa là mặt hàng có tính chất đặc thù, ảnh hưởng đến phạm vi rộng đến từng gia đình nên quản lý Nhà nước về giá sách giáo khoa là điều cần thiết. Theo đó, cần sớm có cơ chế quản lý về sách giáo khoa nói chung, giá sách giáo khoa nói riêng sao cho phù hợp, cân bằng lợi ích của người tiêu dùng cũng như nhà xuất bản, tránh gây tăng giá đột biến.

Theo Công Thương