Dịch sốt xuất huyết, số ca tăng mạnh tại nhiều địa phương

Admin
Trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh thành. Bộ Y tế đã phát đi cảnh báo nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, số ca mắc
Nhiều ca nhập viện vì sốt xuất huyết.Nhiều ca nhập viện vì sốt xuất huyết.

Không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài

Báo cáo của các địa phương cho thấy đến hết ngày 12/6, cả nước đã ghi nhận hơn 52.200 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 29 trường hợp tử vong. Số ca sốt xuất huyết ở nước ta đang ngày một gia tăng và chưa có chiều hướng giảm. Các chuyên gia dự báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát mạnh trong tháng 6 và tháng 7/2022.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Cục Y tế dự phòng đề nghị lãnh đạo các Viện trên thành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, huyện, vùng nóng ghi nhận số mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao để tập trung hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và hóa chất, vật tư phòng chống sốt xuất huyết.

Cục Y tế dự phòng đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (ngày 15/6/2022) với chủ đề “Đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết”.

Hướng dẫn các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng; tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cùng đó, để nâng cao hiệu quả điều trị sốt xuất huyết, vừa qua, tại TP HCM, Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tổ chức lớp tập huấn công tác điều trị bệnh dịch sốt xuất huyết Dengue, tay -chân - miệng và hậu COVID-19 cho gần 1.000 y, bác sĩ.

Ngoài ra, tại một số địa phương như Đồng Nai, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh. UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch; gián sát các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng; điều tra, xác minh và xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương tới tuyến xã, phường, thôn, ấp. Trong đó, 100% hộ gia đình trong khu vực ổ dịch phải được phun hóa chất diệt muỗi. Ngành Y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu trong việc xử lý ổ dịch, điều trị bệnh nhân và hỗ trợ kịp thời địa phương khi có nhu cầu…

Trong khi đó, ngành Y tế tỉnh Gia Lai cũng triển khai nhiều phương án để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bùng phát. Cụ thể, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh, phun hóa chất diệt muỗi tại những vùng có ổ bệnh; tổ chức tốt việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân để giảm thiểu các ca mắc sốt xuất huyết trong cộng đồng…

 

Nhiễm sốt xuất huyết dễ nặng hơn trên nền hậu COVID-19

Đáng lưu ý, theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM): “Nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết trên nền hậu COVID-19 là rất lớn. Trẻ đã từng mắc COVID-19 trước đó giờ bị sốt xuất huyết thì khả năng vào sốc cao hơn nhóm chưa từng nhiễm COVID-19”.

“Trong thời gian gần đây Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) cũng đã tiếp nhận một số trường hợp mắc hội chứng viêm đa hệ thống hậu COVID-19 kèm theo bệnh sốt xuất huyết. Cho tới nay, chưa có nghiên cứu rõ ràng về những trường hợp này nhưng chúng tôi nhận thấy trẻ đã từng mắc COVID-19 trước đó giờ mắc sốt xuất huyết thì khả năng vào sốc cao hơn nhóm chưa từng nhiễm COVID-19. Từ đó có thể thấy COVID-19 có khả năng gây ảnh hưởng tới độ nặng của sốt xuất huyết.

Quá trình điều trị cho các trường hợp này cũng rất khó khăn. Khi viêm đa hệ thống hậu COVID-19 sẽ được điều trị chống viêm bằng corticoid hoặc dùng thêm các thuốc chống đông. Trong khi đó, corticoid và thuốc chống đông lại không được phép sử dụng trong điều trị sốt xuất huyết. Vì những loại thuốc này có thể khiến tình trạng xuất huyết nặng hơn gây nguy hiểm cho bệnh nhân”, bác Tiến chia sẻ thêm.

Bác sĩ Tiến cũng cảnh báo rằng, trẻ có thể bị sốt xuất huyết ngay cả khi trẻ không có các triệu chứng điển hình của bệnh. Trẻ có thể bị sốt không cao hoặc không sốt liên tục nhưng trẻ vẫn có nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Phụ huynh cần chú ý tới các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện bệnh kịp thời. Khi nhập viện trễ quá trình điều trị rất khó khăn và trẻ có thể bị sốc kéo dài, gặp các biến chứng nặng từ cơ quan hô hấp, tiêu hóa, thận, não, gan... thậm chí là tử vong.

Do đó, phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới các trẻ đã từng mắc COVID-19, nhóm trẻ mắc phải hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C trong mùa sốt xuất huyết này. Ngay khi trẻ gặp các triệu chứng như sốt cao; nôn ói; chảy máu mũi, máu răng; tiêu chảy, đi cầu phân đen; mệt mỏi... thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám, xét nghiệm để sàng lọc sốt xuất huyết.

Các bác sĩ cần phải khai thác bệnh sử của trẻ cẩn thận khi tiếp nhận trẻ có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết. Cần xét nghiệm thêm phản ứng viêm, cân nhắc cẩn trọng để có hướng điều trị thích hợp cho trẻ có biểu hiện của sốt xuất huyết Dengue trên nền bệnh viêm đa hệ thống liên quan đến COVID-19.

Theo báo PL