Dịch sốt xuất huyết bùng phát, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo biện pháp phòng chống

Admin

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, các ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 378/579 xã, phường, thị trấn.

Số ca mắc có xu hướng tăng nhanh trong những tuần gần đây (tuần 32 ghi nhận 150 ca; tuần 33 ghi nhận 345 ca; tuần 34 ghi nhận 258 ca; tuần 35 ghi nhận 360 ca).

Cộng dồn trong năm 2022, Thủ đô cũng đã ghi nhận 182 ổ dịch tại 27 quận, huyện.

Hiện tại còn 55 ổ dịch đang hoạt động, cụ thể tại: Đống Đa (7), Thanh Oai (7), Đan Phượng (6), Hai Bà Trưng (6), Bắc Từ Liêm (5), Tây Hồ (5), Thanh Trì (5), Thường Tín (3), Ba Đình (2), Đông Anh (2), Phú Xuyên (2), Cầu Giấy (1), Gia Lâm (1), Nam Từ Liêm (1), Quốc Oai (1), Thạch Thất (1).

dich sot xuat huyet

 Nhân viên y tế quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phun hóa chất diệt muỗi tại các khu dân cư trên địa bàn quận. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

 

Báo cáo giám sát của CDC cho thấy, chỉ số bọ gậy (loăng quăng - ấu trùng muỗi, mầm bệnh gây sốt xuất huyết) tại một số khu vực đang cao vượt ngưỡng. Bên cạnh đó, hai tháng 9 và 10 thường là thời điểm cao trào của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Chỉ số bọ gậy là kết quả đếm toàn bộ số lượng bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước khác nhau, nhằm xác định nguồn phát sinh và mức độ của bọ gậy muỗi ở nhiều khu vực, theo mùa trong năm hoặc theo từng giai đoạn.

Trong đó, chỉ số BI là số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi trong 100 nhà dân được điều tra. Nếu chỉ số này từ 30 trở lên tức là nguy cơ có dịch bệnh sốt xuất huyết.

Tại khu vực miền Bắc, chỉ số BI là từ 20 trở lên. Hiện CDC sử dụng chỉ số bọ gậy để đánh giá mức độ nguy cơ các vùng có thể bùng phát và trở thành ổ dịch sốt xuất huyết.

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo CDC Hà Nội phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã triển khai các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết như:

Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã bố trí nhân lực, thành lập đội phản ứng nhanh kịp thời điều tra véc-tơ, xử lý môi trường khi phát hiện ca bệnh; đảm bảo đủ kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch...

 Duy trì hoạt động chủ động giám sát phát hiện bệnh nhân sốt xuất huyết tại cộng đồng và cơ sở y tế.

Thực hiện giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết (giám sát thường xuyên và giám sát trọng điểm).

Triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết toàn thành phố.

Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc sốt xuất huyết; dự trù thuốc, trang thiết bị sẵn sàng điều trị cho người bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, giảm biến chứng và giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Bên cạnh đó, các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Đặc biệt, người dân không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà.

SHTT