Chương Mỹ ( Hà Nội ): Đất san lấp Dự án từ nguồn rác thải, phế thải

Admin
Dưới góc độ khoa học các sản phẩm thiên nhiên thì môi trường đất, nước, không khí, chất lượng đất cho vùng nguyên liệu phải được đảm bảo để phát huy tối đa nguồn lực của tài nguyên và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá có vai trò rất quan trọng.

Ô nhiễm môi trường từ rác thải, phế thải làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thiên nhiên là vấn đề nhức nhối từ bao lâu nay, được mọi người dân quan tâm. Nhà nước đã có những chế tài xử phạt rất nặng đối với đơn vị hoặc cá nhân có hành vi đổ trộm rác thải, chất thải cũng như những điểm tập kết rác không phép. Hành vi tập kết rác, dùng rác để chôn lấp sẽ để lại những hệ lụy khôn lường, không chỉ là môi trường sinh thái tại khu vực tập kết, chôn rác và xung quanh sẽ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân.

Về lâu dài, môi trường đất, nước, không khí và chất lượng đất canh tác và vùng nguyên liệu của địa phương đó sẽ khó có thể khôi phục. Quy định là vậy, nhưng thực tế có những đơn vị, cá nhân vẫn có dấu hiệu vi phạm, thậm chí là vi phạm công khai trong thời gian dài.

Thời gian gần đây, phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm nhận được thông tin tại khu vực dự án Xây dựng khu tái định cư trên địa bàn khu Đồng Giải (thôn Sơn Đồng, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) xuất hiện tình trạng đơn vị thi công có dấu hiệu lấy đất, bùn thải và rác thải xây dựng để san lấp mặt bằng tại một số khu vực của dự án.

Đầu tháng 01/2022, phóng viên ghi nhận thực tế tại dự án, trên bề mặt tuyến đường, lề đường và tại một số khu vực trong dự án, có nhiều đống đất, bùn khô, gạch, ngói vỡ, bê tông thải,…

Khu vực mép ngoài của dự án xuất hiện những đống rác thải xây dựng cao cả mét đang được tập kết tại đây để chờ sang lấp xuống khu đầm lầy gần đó.

Dự án do huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư dùng rác, đất thải san lấp mặt bằng?
Những đống rác thải xây dựng, gạch, ngói vỡ chất thành đống cao cả mét đã được san lấp xuống mặt bằng

Đến ngày 19/04/2022, quay lại khu vực của dự án phóng viên ghi nhận, những đống rác thải xây dựng, gạch, ngói vỡ chất thành đống cao cả mét đã được san lấp xuống mặt bằng. Bên cạnh đó, lại xuất hiện thêm nhiều đống đất thải xen lẫn những tảng bê tông lớn đang nằm ngổn ngang trong khuôn viên của dự án.

Theo ghi nhận, dự án này nằm cạnh khu dân cư và diện tích đất canh tác, trồng lúa của người dân thôn Sơn Đồng, thế nhưng tình trạng trên lại ngang nhiên diễn ra suốt một thời gian dài tại một dự án lớn do UBND huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư.

Việc san gạt, đổ thải làm biến dạng địa hình là hành vi hủy hoại đất, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là vi phạm Luật Đất đai, bị nghiêm cấm.

Cụ thể, tại khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 đã nêu rõ: Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm, làm mất hoặc làm giảm khả năng sử dụng đất. Điều 208, Luật Đất đai 2013 quy định: Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

Dự án do huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư dùng rác, đất thải san lấp mặt bằng?
Khu vực san lấp bằng rác thải xây dựng nằm cạnh diện tích đất canh tác lúa của người dân

Để làm rõ thực trạng trên, phóng viên đã liên hệ và phản ánh tới Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chương Mỹ. Ngày 11/01/2022, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chương Mỹ.

Sau khi trao đổi thông tin và hình ảnh về tình trạng tập kết và san lấp mặt bằng dự án Xây dựng khu tái định cư trên địa bàn khu Đồng Giải bằng đất, bùn thải, chất thải xây dựng…

Ông Sơn cho biết, tại những khu vực mà phóng viên phản ánh là đất thải, bùn thải tận dụng để trồng cây xanh, còn những vị trí có rác thải xây dựng tập kết và san lấp thì không thuộc phạm vi của dự án. Khu đấy là do xã tự ý đổ xuống để lấy đường đi vào thôn Sơn Đồng, đã cho anh/em xử lý rồi. Toàn bộ đất san lấp của dự án được lấy hoàn toàn từ trên các mỏ của tỉnh Hòa Bình.

Được biết, dự án hiện đã triển khai được 60%, tuy nhiên công tác đền bù giải phóng mặt bằng vẫn gặp vướng mắc do có 08 hộ dân chưa chấp nhận đền bù.

Dự án do huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư dùng rác, đất thải san lấp mặt bằng?
Dự án hiện đã triển khai được 60%, tuy nhiên công tác đền bù giải phóng mặt bằng vẫn gặp vướng mắc do có 08 hộ dân chưa chấp nhận đền bù

Về hồ sơ pháp lý của dự án, ông Trần Văn Sơn khẳng định với phóng viên là hoàn toàn đầy đủ. Thế nhưng khi phóng viên đề nghị được tiếp cận với hồ sơ pháp lý, hóa đơn, hợp đồng mua đất san lấp phục vụ dự án… thì lại nhận được sự từ chối của ông Sơn “hồ sơ pháp lý của dự án thì đầy đủ nhưng anh không cung cấp được. Anh/em trao đổi thông tin thôi”.

Được biết, dự án án Xây dựng khu tái định cư trên địa bàn khu Đồng Giải được HĐND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2019, với mục tiêu nhằm tạo khu tái định cư hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai, nhằm ổn định và nâng cao đời sống người dân trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế- xã hội huyện Chương Mỹ nói riêng và thành phố nói chung.

Dự án với diện tích 5,45 hecta do huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư, nguồn vốn được lấy từ ngân sách thành phố Hà Nội. Đơn vị thi công liên doanh 3 nhà thầu gồm: Công ty TNHH Hợp Thành, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển xây dựng Thành Hưng, Công ty CP Điện chiếu sáng và thiết bị đô thị Hồ Gươm.

Theo Thương hiệu và Sản Phẩm