Cách ly thế nào cho đúng đối với người từ vùng dịch, về quê ăn Tết

Admin
Hiện các địa phương không cấm người dân về quê đón Tết, nhưng mỗi địa phương vẫn áp dụng những quy định chống dịch khác nhau. Một số địa phương yêu cầu xét nghiệm (test nhanh, PCR), thậm chí y

Gần đây nhất, có chuyện ở Thanh Hóa, Thái Bình, thôn, xã đã thực hiện biện pháp phòng chống dịch bằng cách khóa cổng nhà có người đi từ vùng dịch về quê ăn Tết.

Hay như Phú Thọ, Bắc Giang, nếu trở về từ địa phương thuộc cấp độ dịch 3 và 4, người dân phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ hoặc test nhanh âm tính trong 48 giờ. Vĩnh Phúc cũng yêu cầu người dân về từ khu vực nguy cơ cao, đặc biệt là Hà Nội phải xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên âm tính.

Trong khi đó, có địa phương người dân thoải mái về quê sum vầy đón Tết, chỉ cần khai báo y tế và đảm bảo 5K.

Người từ vùng dịch về quê ăn Tết: Cách ly thế nào cho đúng? 1

Vấn đề quy định người dân từ vùng dịch về quê ăn Tết Nhâm Dần đang được người dân quan tâm

Người từ vùng cam, tiêm đủ vắc xin không phải cách ly

Nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, hiện nay, các quy định về giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng đã chính thức được bãi bỏ. Thay vào đó là áp dụng các biện pháp "thích ứng an toàn" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Ngày 17/1, Bộ Y tế có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trên cả nước đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định. Đồng thời, chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch.

"Việc đi lại của người đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau được Nghị quyết này quy định như sau: Nếu đến từ vùng xanh và vùng vàng thì được đi lại không hạn chế.

Nếu đến từ vùng cam thì được đi lại không hạn chế, nhưng phải tuân thủ điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nếu đến từ vùng đỏ thì phải tuân thủ các điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường hợp Bộ Y tế hướng dẫn cách ly tại nhà nhưng địa phương có địa điểm cách ly tập trung và được người đi cách ly đồng ý thì thực hiện cách ly tập trung", luật sư Bình phân tích.

Người từ vùng dịch về quê ăn Tết: Cách ly thế nào cho đúng? 2

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật

Luật sư Bình cho biết, hiện nay theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất thì toàn TP Hà Nội đang ở cấp độ dịch 2 (màu vàng). Cụ thể, Hà Nội có 114 xã, phường vùng xanh, 332 xã phường vùng vàng, 133 xã, phường vùng cam, không có xã, phường nào vùng đỏ.

Ở cấp độ quận, huyện thì Hà Nội có 8 quận, huyện vùng cam, còn tất cả các quận, huyện khác là vùng xanh và vùng vàng, không có quận nào vùng đỏ.

Như vậy, theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn 9472/BYT-MT, các trường hợp có nguy cơ cao trở về từ các địa bàn có dịch thì phải thực hiện cách ly như sau:

Nếu đã tiêm đủ vắc xin hoặc khỏi bệnh trong vòng 6 tháng: Tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương; Nếu tiêm chưa đủ liều vắc xin: Cách ly tại nhà 7 ngày, theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo; Nếu chưa tiêm vắc xin: Cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương; theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo.

"Như vậy, người từ vùng xanh, vàng Hà Nội về các địa phương đón Tết không phải cách ly. Với người ở vùng cam Hà Nội, chỉ yêu cầu cách ly khi chưa tiêm đủ liều vắc xin Covid-19. Do đó, địa phương yêu cầu cách ly mọi người dân từ Hà Nội về quê là không đúng quy định", luật sư Bình nêu quan điểm.

Người từ vùng dịch về quê ăn Tết: Cách ly thế nào cho đúng? 3

Luật sư Trương Anh Tú (Công ty Luật TAT Lawfrim)

Khóa cổng nhà có người về quê đón Tết là sai luật

Về câu chuyện tại Thanh Hoá, Thái Bình đã có những trường hợp người dân về quê đón Tết bị khoá cửa, cổng không cho ra ngoài, luật sư Trương Anh Tú (Công ty Luật TAT Lawfrim) cho rằng, cách làm này có dấu hiệu vi phạm các quyền về tự do cư trú và đi lại của người dân.

Theo luật sư Tú, Hiến pháp năm 2013 quy định, công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tự do đi lại, cư trú trong nước. Quyền của công dân chỉ có thể bị hạn chế theo "quy định của luật" trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, sức khỏe của cộng đồng...

Trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền chỉ được phép hạn chế quyền của người dân bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự như bắt giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc xuất cảnh; tịch thu phương tiện, tài sản; phạt tiền...

Với nhà đất, tòa án khi cần cũng chỉ có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, phong tỏa, cấm thay đổi hiện trạng hoặc mua bán...

"Như vậy, "không có quy định nào cho phép khóa cửa nhà dân". Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan, kể cả những điều khoản về tình trạng khẩn cấp, chiến tranh... cũng không cho phép làm như vậy", luật sư Tú nêu quan điểm.

Do đó, dù việc khóa cửa được người dân chấp thuận, chính quyền xã vẫn không được thực hiện, vì vi phạm nguyên tắc "người dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan nhà nước được làm những gì pháp luật cho phép".

Hơn nữa, biện pháp "khóa cửa, giữ chìa" còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy hoặc nếu nhà dân có người cần cấp cứu sẽ khó khăn hơn.

Theo Báo Giao Thông