Bắc Giang: Bến thủy nội địa không phép ngang nhiên tồn tại dọc sông Lục Nam

Admin
Nhiều năm nay vẫn tồn tại hàng loạt bến thủy nội địa chưa hề có thủ tục pháp lý ngang nhiên hoạt động tại dọc sông Lục Nam thuộc địa phận huyện Lục Nam

Thực trạng kéo dài, xử lý cho có

Chuyện về những bến thủy nội địa không phép, hoạt động ngang nhiên trên địa bàn huyện Lục Nam nhiều năm nay không phải chỉ mỗi người dân biết mà chính quyền địa phương cũng không lạ. Những cuộc thanh, kiểm tra gần đây đều khẳng định những bến bãi này hoạt động không phép, nhưng rồi đâu lại vào đấy, người dân kêu thì vẫn cứ kêu.

Theo đó, thời gian vừa qua người dân địa phương liên tục phản ánh đến Báo Pháp luật Việt Nam cho rằng dọc bờ con sông này tồn tại nhiều bến thủy nội địa không phép, nhưng không hề bị chính quyền địa phương xử lý.

Có mặt tại địa phương này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận tại thôn Vườn, xã Đan Hội, huyện Lục Nam tồn tại một bãi chứa đất có diện tích khá lớn. Theo người dân địa phương, trước đây địa điểm này là một bãi bồi, tuy nhiên một hộ gia đình đã san lấp, lấn chiếm lòng sông để làm bến thủy chung chuyển đất để đưa đi nơi khác tiêu thụ.

998a7ced-5631-4eda-aaf6-094504e09edd

Bến thủy trung chuyển đất của hộ gia đình bà Phạm Thị Thiệp, ở thôn Vườn, xã Đan Hội. (Ảnh: M.N)

Thời điểm phóng viên có mặt, một máy múc liên tục múc đất từ bãi tập kết lên thuyền. Ông C. một người dân sống tại khu vực này cho hay, hàng ngày nhiều xe quá trọng tải chở đất rầm rầm đi từ mỏ ra khu vực bến thủy, đất sét rơi vương vãi xuống ruộng ảnh hưởng đến việc canh tác của bà con, trời nắng bụi bặm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Liên quan đến bến thủy này, trước đó ngày 8/10/2021, UBND huyện Lục Nam đã có báo cáo phản ánh của công dân khẳng định, bến bãi trên của bà Phạm Thị Thiệp, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Cụ thể, chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cấp phép xây dựng…

UBND xã Đan Hội cũng đã từng ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các lỗi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp và hành vi tự ý làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất với diện tích 400m2. Tổng số tiền phạt cho 2 lần xử phạt là 6 triệu đồng.

“Quả bóng” trách nhiệm thuộc về ai?

Làm việc với phóng viên, ông Vũ Trí Quý, Chủ tịch UBND xã Đan Hội cho hay: “Sau khi ban hành quyết định xử phạt, chúng tôi có lập biên bản yêu cầu dừng hoạt động. Đồng thời, yêu cầu gia đình bà Thiệp phải hoàn trả hiện trạng đất như cũ, nhưng bà Thiệp không tuân thủ”.

ccc9a9bc-afe8-48f2-82ec-f9efcbb04dd4

Bãi trung chuyển được cho là của ông Vũ Trí Vấn. (Ảnh: M.N)

Ông Quý cũng khẳng định hiện tại bến thủy này không còn hoạt động, trái với ghi nhận thực tế của phóng viên.

Ông Quý nói thêm:“Do nhu cầu phát triển của địa phương hiện nay cả xã vẫn chưa có bến bãi nào nên chủ trương sau này cũng muốn tạo điều kiện để xin cấp phép 1 bến bãi như thế này”.

Ở một diễn biến khác, tại thôn Vũ Trù Đồn, xã Vũ Xá, huyện Lục Nam cũng xuất hiện nhiều bến bãi, cầu cảng không phép dọc sông Lục Nam. Trong đó phải kể đến 2 cầu cảng đã được xây dựng từ năm 2019 và hoạt động từ đó đến nay.

Theo kết quả báo cáo số 40/BC-SGTVT của Sở Giao thông vận tải Bắc Giang vào ngày 14/03/2022, bến thủy nội địa này thuộc sở hữu của ông Vũ Trí Vấn, thôn Vũ Trù Đồn, xã Vũ Xá, huyện Lục Nam.

Quá trình kiểm tra cho thấy, bến thủy được xây dựng thành 2 cầu bằng thép, trụ cầu đặt trên phao thép nổi, diện tích sử dụng bến khoảng 1.500m2. Nhằm mục đích trung chuyển đất và không có giấy phép hoạt động.

Liên quan đến nội dung trên, trả lời phóng viên ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Vũ Xá cho rằng, mảnh đất để làm bến thủy ở địa điểm này do UBND xã quản lý. Trước đó do thôn cho thuê lại và được ông Vấn đấu giá để sử dụng làm bãi chứa vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, phóng viên đề nghị cung cấp giấy tờ liên quan đến thủ tục đấu thầu mảnh đất này thì ông Đức không cung cấp được. Ông Đức cho biết, xã cũng đã báo cáo huyện nhiều lần nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

8f0014dc-39d7-4673-9072-fdd1997697ab

Báo cáo của Sở Giao thông vận tải Bắc Giang cho thấy nhiều bến thủy nội địa tại huyện Lục Nam đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục hoặc chưa được cấp phép hoạt động.

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam Ông Ngô Minh Định, Phó phòng quản lý vận tải (Sở giao thông và vận tải Bắc Giang) cho biết: “Liên quan đến vấn đề trên, Sở đã có văn bản chỉ đạo chung cho toàn tỉnh. Trách nhiệm quản lý trực tiếp phải là huyện, xã”.

Còn ông Hoàng Văn Thuỷ, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Bắc Giang lại cho hay: “tháng 3/2022 chúng tôi đã đi rà soát các điểm đang hoạt động không phép. Sau đó chúng tôi có văn bản chỉ đạo và yêu cầu địa phương cho tạm dừng các điểm này. Tuy nhiên, giờ vẫn có hiện tượng này xảy ra thì vẫn chưa nắm bắt được do lực lượng thanh tra mỏng, địa bàn lại rộng và dịch bệnh. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường và kiên quyết xử lý đúng theo quy định của pháp luật”.

Việc để các bến thủy nội địa tồn tại nhiều năm mà không hề được dẹp bỏ rõ ràng không thể không có trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan. Thiết nghĩ UBND tỉnh Bắc Giang cần chỉ xử lý dứt điểm tình trạng tự ý xây dựng cầu cảng, bến thủy nội địa, đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân liên quan khi để thực trạng trên xảy ra.

Báo Pháp luật Việt Nam