Yên Châu (Sơn La): Có hay không sự bất thường khi Thi hành án nộp tiền thay cho doanh nghiệp?

Admin
Việc thi hành án dân sự huyện Yên Châu nộp tiền “thay” cho doanh nghiệp trong quá trình thi hành án khiến dư luận không khỏi băn khoăn, hoài nghi về tính minh bạch, đúng luật của các chủ thể có liên qu

Ngày 13/6/2013, ông Hà Văn Sơn (địa chỉ: Xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) đã ký thế chấp 07 tài sản của mình để bảo lãnh cho khoản vay của Công ty TNHH Tuấn Thịnh (địa chỉ: Thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

DSC_0826

Chi Cục THA dân sự huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Hợp đồng có tên là “Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ 3”, số hiệu 7902 8813 60601, được ký bởi đại diện phía Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mộc Châu (NH NN Mộc Châu) là ông Nguyễn Hữu Cửu – Giám đốc, đại diện Cty TNHH Tuấn Thịnh (Cty Tuấn Thịnh) là ông Phùng Hữu Thịnh (Giám đốc).

Theo Hợp đồng số 7902 8813 60601 nêu trên (sau đây gọi tắt là Hợp đồng thế chấp), các tài sản ông Sơn ký thế chấp là 07 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất, tổng giá trị tài sản được định giá thời điểm ký thế chấp lên tới 4,5 tỷ đồng.

Giá trị khoản vay được bảo đảm không được quy định cụ thể, bao gồm các nghĩa vụ trả nợ của Cty Tuấn Thịnh đối với bên NH NN Mộc Châu (nợ gốc, nợ lãii trong hạn, lãi quá hạn, các khoản phí và chi phí phát sinh khác liên quan – nếu có). Hợp đồng này cũng không xác định rõ thời hạn, thời hạn được xác định bằng khoảng thời gian hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Việc thực hiện hợp đồng thế chấp do ông Phùng Hữu Thịnh – Giám đốc Cty Tuấn Thịnh giao dịch với NH NN Mộc Châu. Ông Sơn tin ông Thịnh tuyệt đối nên không quan tâm tới tình hình thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Cty Tuấn Thịnh….

DSC_0809

Ngân hàng NN và PTNT huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. 

Ông Sơn vốn có tiếng ở huyện Yên Châu vì đã có đóng góp lớn phát triển diện tích, chất lượng, thương huyện Xoài Yên Châu – đặc sản của Sơn La. Gia đình ông Sơn sở hữu khoảng 30% diện tích và chiếm tới 40% sản lượng Xoài Yên Châu xuất khẩu đi Anh, Úc, Mỹ, Trung Quốc.

Tuy nhiên, từ những khoản vay bằng giấy tờ viết tay giản đơn, không biết tự lúc nào, ông Hà Văn Sơn đã rơi vào cảnh bị đòi nợ. Từ tháng 8/2015 tới tháng 2/2016, ông Sơn đã phải nhận số nợ lên tới 2,50 tỷ đồng, bằng các quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự tại Tòa án nhân dân huyện Yên Châu. Trong đó, khoản nợ đối với ông Nguyễn Đức Đông (một người chuyên cho vay lãi ở Yên Châu, đã và đang là người được thi hành nhiều bản án về vay nợ) số tiền 2,1 tỷ đồng chẵn, nợ Cửa hàng lương thực Yên Châu (vốn nhà nước) số tiền 400 triệu đồng chẵn.

Lần lượt 2 tháng sau khi có công nhận sự thỏa thuận, các chủ nợ lập tức yêu cầu thi hành án với ông Hà Văn Sơn, bao gồm trả tiền gốc và các khoản lại chậm trả, khiến cho những thương lượng trước đó giữa hai bên đều bị phá vỡ.

Thực hiện yêu cầu của đương sự Nguyễn Đức Đông đòi 2,1 tỷ, thi hành án dân sự (THA) huyện Yên Châu tiến hành kê biên toàn bộ các tài sản của gia đình ông Sơn có giá trị lên tới 5 tỷ đồng. Các hoạt động khai thác tài sản bị hạn chế, phong tỏa, ông Sơn – Người nông dân có công đầu xây dựng thương hiệu Xoài Yên Châu (Sơn La) đứng trước nguy cơ trắng tay, không còn tấc đất cắm rùi.

Bi cực hơn, trong lúc tỉnh Sơn La nói chung, huyện Yên Châu nói riêng đang tích cực chuẩn bị “Ngày Hội Xoài Yên Châu năm 2019” thì ngày 22/5/2019, THA huyện Yên Châu ban hành Quyết định số 05/QĐ-CCTHADS “về việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” và Thông báo số 62/TB-CCTHADS “về việc cưỡng chế thi hành án”. Theo 2 văn bản này, THA yêu cầu ông Sơn bàn giao các tài sản trên thực tế và các giấy tờ liên quan (các sổ đỏ) vào ngày 06/6/2019, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Trước đó, ông Sơn luôn được chấp hành viên tên Việt động viên bàn giao tài sản và cho biết về việc ông Thịnh đã nộp tiền và rút sổ đỏ ra, sổ đỏ hiện do ông Thịnh quản lý. Còn ông Thịnh nói với ông Sơn điều ngược lại, các sổ đỏ do THA giữ.

Giữa ma trận thông tin, ông Sơn như hoảng loạn.

Ngày 31/5/2019, ông Hà Văn Sơn có đơn đề nghị khẩn cấp yêu cầu NHNN Sơn La và NHNN Mộc Châu cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến các tài sản thế chấp của ông. Ngày 04/5/2019, NHNN Mộc Châu có văn bản trả lời, ông Sơn mới tá hỏa phát hiện ra 06/07 sổ đỏ thế chấp tại NHNN Mộc Châu đã được NH xuất và bàn giao cho THA Yên Châu.

Trước đó, ngày 23/4, Chi cục THA huyện Yên Châu có chuyển vào tài khoản của Cty Tuấn Thịnh tại NHNN Mộc Châu số tiền 2,7 tỷ đồng để thanh toán nợ cho Cty này và nhận 06 sổ đỏ đứng tên ông Hà Văn Sơn.

Như vậy, tới ngày 22/5, khi THA huyện Yên Châu ban hành văn bản cưỡng chế ông Sơn bàn giao tài sản và các giấy tờ liên quan thì cơ quan này đã … cầm 06 cuốn sổ đỏ mà trước đó cơ quan này đã kê biên rồi. Việc bà Hoàng Thị Vui – Chấp hành viên (cũng là Chi cục trưởng) tổ chức cưỡng chế, xét cho cùng cũng chỉ là biện pháp để THA có thể “nhận bàn giao” nốt tài sản trên thực tế mà thôi.

Vấn đề khiến dư luận không khỏi hoài nghi là vì sao THA huyện Yên Châu lại trả nợ thay cho Cty Tuấn Thịnh để rút sổ đỏ ra khỏi NHNN Mộc Châu? Tiền này ở đâu, và việc làm này có đúng quy định? Vì sao NHNN Mộc Châu “im lặng” về tình hình nợ xấu của Cty Tuấn Thịnh cho tới khi ông Sơn phải có đơn đề nghị khẩn cấp mới được phía NH NN Mộc Châu thông tin chính thức về tình trạng các tài sản của mình? Thực hư mối quan hệ giữa THA – Ngân hàng trong vụ việc này như thế nào?

Chúng tôi sẽ tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc./.

Phạm Tài (SHTT)