Thanh Trì - Hà Nội: mở đấu giá đất khi chưa hoàn thiện hạ tầng

Admin
Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Thanh Trì đã tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng các khu đất nhỏ lẻ xen kẹt tại một số xã như Liên Ninh, Đại Áng.

 Dù hạ tầng kỹ thuật tại khu đất vẫn còn ngổn ngang, máy móc và công nhân đang thi công rầm rộ nhưng chính quyền huyện Thanh Trì vẫn mở đấu giá đất vào ngày 20/11.

Hạ tầng ngổn ngang

 

Mới đây (ngày 20.11), Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Thanh Trì đã tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng các khu đất nhỏ lẻ xen kẹt tại một số xã như Liên Ninh, Đại Áng.

Theo hồ sơ, tổng diện tích 3 khu đất đấu giá là 4.486,5m2, được chia thành 70 lô đất. Cụ thể, khu đất đấu giá tại thôn Thọ Am, xã Liên Ninh có diện tích 1455,4m2, gồm 20 lô; khu đất đấu giá tại thôn Đại Áng, xã Đại Áng có diện tích 1.729,6m2, gồm 29 lô.

Khu đất tại xã Đại Áng có giá khởi điểm 17,586 triệu đồng/m2. Khu đất tại thôn Thọ Am, xã Liên Ninh có giá khởi điểm là 21,501 triệu đồng/m2.

Kết quả trúng đấu giá tại các khu đất này được đẩy lên khá cao. Lô số 26 khu đất đấu giá Đại Áng có diện tích 61,3m2 với giá 66,686 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 4 tỉ đồng, đây cũng là giá trúng cao nhất của khu đấu giá này.

Điều đáng nói, tại khu đất đấu giá Đại Áng thuộc xã Đại Áng vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng, kỹ thuật.

Hạ tầng chưa hoàn thiện nhưng các lô đất vẫn có giá được đấu trúng rất cao. Ảnh Cao Nguyên.
Hạ tầng chưa hoàn thiện nhưng các lô đất vẫn có giá được đấu trúng rất cao. Ảnh Cao Nguyên.

Ghi nhận của Lao Động vào ngày 24.11 cho thấy tại khu đất này vẫn là một công trường ngổn ngang vật liệu, máy móc, thiết bị thi công; các hạng mục xây dựng còn nham nhở, công nhân vẫn đang tích cực làm việc. Theo một vài công nhân ở đây, nếu để hoàn thiện mặt bằng khu này phải mất gần một tháng nữa.

Được biết, tháng 10.2019, UBND huyện Thanh Trì đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹt nhỏ lẻ tại xã Đại Áng.

Mục tiêu đầu tư của dự án là thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả quỹ đất, chống lấn chiếm và ô nhiễm môi trường, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Phương án xây dựng gồm các nội dung như san nền, đường giao thông, thoát nước, cấp điện; tổng mức đầu tư gần 7 tỉ đồng, từ ngân sách huyện; thời gian thực hiện năm 2020-2021. Tuy nhiên, sau khi khu đất tổ chức đấu giá xong, dự án này vẫn chưa hoàn thành.

Cũng tình trạng tương tự, Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹt nhỏ lẻ tại xã Liên Ninh (thôn Thọ Am) được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 5.2017.

Về mục tiêu đầu tư, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm nâng cao giá trị thửa đất để đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách tái đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Dự án cũng gồm các hạng mục san nền, đường giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng; tổng mức đầu tư 1,88 tỉ đồng từ ngân sách, thời gian thực hiện năm 2019 – 2020.

Dự kiến khu đất đấu giá tại thôn Đại Áng khoảng 1 tháng nữa mới xong hạ tầng, kỹ thuật. Ảnh Cao Nguyên.
Dự kiến khu đất đấu giá tại thôn Đại Áng khoảng 1 tháng nữa mới xong hạ tầng, kỹ thuật. Ảnh Cao Nguyên.

Thời điểm hiện tại, mặc dù tiến độ đã bị chậm gần 1 năm, nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành, máy móc, công nhân vẫn đang hoạt động. Cát mới được đổ và san gạt, đường giao thông đang triển khai, rãnh thoát nước cũng đang được xây dựng, chưa thực hiện việc trồng mới 3 cột điện…

 

Sai quy trình?

Trao đổi với Lao Động qua điện thoại, ông Nguyễn Việt Trung – Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Thanh Trì cho biết đây là đấu giá đất xen kẹt nên khác. Có những thửa đất không cần xây dựng hạ tầng, chỉ cần điện và nước là đưa ra đấu giá được.

Khi được hỏi đến nay hạ tầng của các khu đã đưa ra đấu giá bao nhiêu %, vị này cho rằng đã cơ bản đã hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tế thì rất khác so với vị này nói.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Lao Động, luật sư Hoàng Tùng – Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng đất đem ra đấu giá phải thỏa mãn các điều kiện sau: Đất đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đất đã được giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản thuộc sở hữu Nhà nước; Có phương án đấu giá quyền sử dụng đất được cơ quan Nhà nước thẩm quyền phê duyệt; Đất thuộc loại đất đấu giá phải là khu đất không xảy ra tranh chấp, kiện tụng…

Ngoài ra, đất phải đáp ứng những nguyên tắc trong thực hiện đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

Từ đó, vị luật sư này khẳng định nếu khu đất đấu giá chưa hoàn thiện giải phóng mặt bằng, hạ tầng mà chính quyền mở đấu giá thì không đúng theo quy trình.

                                                                                                                                                                                        CAO NGUYÊN/Báo Lao Động