Không được chủ quan, cần điều trị kịp thời khi bị sốt xuất huyết

Admin

Biến chứng nặng do nhập viện điều trị muộn

Theo các chuyên gia y tế, hiện đang tiết trời giao mùa, kèm theo những đợt mưa ẩm là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và dễ lây lan bùng phát thành dịch. Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 60.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc giảm nhưng số ca tử vong tăng. Riêng ở Hà Nội, từ đầu năm 2021 cho đến ngày 17/10, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 2.256 ca mắc, phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã.

Bị sốt xuất huyết hãy đến viện trước khi quá muộn
Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thăm khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại viện.

Cụ thể, qua khảo sát tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông… đều gia tăng bệnh nhân nhập viện điều trị do sốt xuất huyết. Điển hình, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 2 tuần trở lại đây đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 20 trường hợp trẻ sốt xuất huyết. Đáng chú ý là một bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch do nhập viện muộn, gây chậm trễ trong điều trị. Đó là trường hợp bé gái H.T. (9 tuổi, ở Hà Nội). Một tuần trước khi nhập viện, trẻ sốt cao liên tục 39 - 41 độ C, dùng hạ sốt không đáp ứng nên được gia đình đưa đến cơ sở y tế gần nhà để thăm khám và được chẩn đoán sốt xuất huyết. Trẻ được người nhà theo dõi sức khỏe và truyền nước tại nhà tuy nhiên đến ngày thứ 6, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đau đầu, đau bụng, co giật, sốt cao liên tục, li bì.

Trước đó, trẻ được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám và điều trị nhưng do tình trạng bệnh chuyển biến nặng, nên được chuyển đến Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy tuần hoàn, viêm não, tổn thương cơ tim. Dù đã được các bác sĩ xử trí thở máy, kiểm soát suy tuần hoàn, điều trị tăng áp lực nội sọ và cân bằng nước điện giải nhưng tình trạng của bệnh nhi rất nặng, nguy cơ tử vong cao trên nền sốt xuất huyết. Và 2 ngày sau khi bé H.T. nhập viện, em trai của bệnh nhi (7 tuổi) cũng mắc sốt xuất huyết và được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.

Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện, đặc biệt có nhiều trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân có các bệnh nền như suy tim, suy thận, phổi mạn tính,… Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường (Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai) các bệnh nhân đến từ hầu hết các địa bàn quận, huyện ngoại thành và các vùng lân cận của Hà Nội như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Số ca nhập viện rải rác từ đầu hè nhưng tăng mạnh vào cuối tháng 9 đến nay với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi người, phát ban, hạ tiểu cầu… Nét khác biệt của dịch sốt xuất huyết năm nay là có nhiều bệnh nhân nặng, tràn dịch ổ bụng, tiểu cầu hạ thấp kèm xuất huyết phải vào viện truyền khối tiểu cầu.

Đơn cử như trường hợp mắc sốt xuất huyết là bệnh nhân chạy thận chu kỳ tại Đơn nguyên Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân quê ở Thanh Hóa nhưng ra Hà Nội ở cùng nhà cô chú tại quận Đống Đa. Ngày 1/10, khi đang thực hiện lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện, bệnh nhân xuất hiện rét run kèm sốt cao nên được đưa vào Trung tâm Cấp cứu A9 và chuyển vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới sau khi xét nghiệm mắc sốt xuất huyết. Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân cho thấy bạch cầu, tiểu cầu đều hạ, thiếu máu, có dịch trong ổ bụng. Bệnh nhân được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, theo dõi chặt chẽ tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tính từ đầu năm tới nay cũng đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 100 bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Hiện tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện vẫn đang điều trị cho 11 bệnh nhân sốt xuất huyết. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt nóng, đau mỏi người, đau đầu, nôn, họng xung huyết, xét nghiệm đều mắc sốt xuất huyết…

Tránh nhầm lẫn với Covid-19

Đáng lo ngại, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người có triệu chứng của sốt xuất huyết nhưng không dám tới bệnh viện để thăm khám và điều trị hoặc chỉ đi khám sàng lọc Covid-19, khiến bệnh trở nặng và việc điều trị khó khăn hơn. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư Đỗ Duy Cường thông tin, sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do vi rút gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: Biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau.

“Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra, sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở,… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp”- Phó Giáo sư Đỗ Duy Cường phân tích.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như sốt, đau mỏi cơ. Do đó, nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, đồng thời yêu cầu làm xét nghiệm khẳng định, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

Lưu ý về sốt xuất huyết ở trẻ em, Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải (Trưởng Khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho rằng, sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng qua 3 giai đoạn: Sốt, nguy hiểm và phục hồi. Sốt xuất huyết là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ bằng cách kiểm soát môi trường sống xung quanh trẻ: Đảm bảo sạch sẽ, tránh để những vật dụng tạo ra vùng nước đọng lại, tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng và phát triển; cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn…

Khi trẻ mắc sốt xuất huyết, cha mẹ cần cho trẻ đi khám để được hướng dẫn chăm sóc và phát hiện dấu hiệu cần nhập viện. Ngoài ra, cha mẹ lưu ý một số vấn đề về chăm sóc trẻ như: Cho trẻ uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội), nước trái cây… “Đặc biệt đối với việc dùng thuốc hạ sốt, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt paracetamol, không tự ý sử dụng loại khác khi không có chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng bệnh có dấu hiệu nặng, phải đưa trẻ đi khám và điều trị tại các sơ sở y tế. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý truyền dịch cho trẻ tại nhà hoặc các cơ sở y tế không đủ điều kiện, đề phòng biến chứng dẫn đến tử vong” – Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải khuyến cáo thêm./.

Minh Khuê (Lao động Thủ Đô)