Gian lận trong xuất nhập khẩu hàng hóa, cơ quan chức năng gặp khó trong vấn đề thanh, kiểm tra

Admin
Tình trạng gian lận thương mại để vận chuyển trái phép hàng hóa thông qua hoạt động kê khai hải quan vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Những vấn đề pháp luật liên quan đến xử lý gian lận xuất

Hiện nay khi kinh tế Việt Nam đang không ngừng chuyển động, việc giao thương với các quốc gia khác ngày càng được chú trọng. Bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu thì vấn đề nhập khẩu cũng rất được quan tâm. Tuy nhiên đi theo đó là tình trạng trốn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày càng nhiều khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong vấn đề thanh tra, kiểm tra.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thường lợi dụng sự thông thoáng trong thông quan điện tử để khai sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, xuất xứ…; hay lợi dụng thương mại điện tử, hàng hóa vận chuyển theo hình thức vận chuyển độc lập để gian lận thương mại, trốn thuế. Điều này đã và đang diễn ra ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu.

xuat nhap khau

 Những thủ đoạn gian lận trong xuất nhập khẩu hàng hóa

Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Hữu Vượng, tình trạng khai sai về xuất xứ để trục lợi, trốn thuế khiến việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, trong đó có ngành Hải quan gặp nhiều khó khăn. Đơn cử quý 3/2021, Hải quan Lạng Sơn đã phát hiện một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu gian lận về xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa qua biên giới.

Trong đó, 3 doanh nghiệp khai sai xuất xứ hàng hóa nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã bị xử lý theo quy định. Mặc dù những doanh nghiệp này nhập khẩu các mặt hàng Trung Quốc nhưng lại khai xuất xứ made in Japan, Germany, Mexico, India, USA; khai chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp…

Ở chiều xuất khẩu, hình thức, thủ đoạn gian lận là doanh nghiệp nhập hàng hóa từ nước khác vào Việt Nam, dán mác hàng hóa xuất xứ Việt Nam và xuất khẩu. Chiêu thức phổ biến thứ 2 là doanh nghiệp không có hoặc có dây chuyền máy móc, nhưng sản phẩm xuất khẩu không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, lực lượng kiểm tra sau thông quan đã kiểm tra và xử lý một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng tơ sợi, vải lụa từ nước ngoài, gắn mác Việt Nam và xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ. Hay vụ việc Công ty TNHH xe đạp Excel - doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc. Công ty này nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện hoàn chỉnh, không đảm bảo xuất xứ Việt Nam.

Trước thực trạng đó, lực lượng Hải quan đã xây dựng kế hoạch và áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ hải quan để kiên quyết đẩy lùi tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp; mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), định hướng xuyên suốt trong năm 2021 là tập trung triển khai chuyên đề xuất xứ có trọng tâm, trọng điểm trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng tăng và nhân lực có hạn. Trong đó, cơ quan này tập trung thanh tra, kiểm tra vào các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào 3 thị trường là Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và có sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Từ kết quả đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng để hoàn thiện các chính sách, quy định của nhà nước đối với xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

                                                                                                                                                                                                 Minh Vân (nguồn SHTT)